Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN) tại phía Nam đã nhận diện những thuận lợi, cơ hội và cả những khó khăn, thách thức, để có những kế hoạch chủ động chuyển hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Để hỗ trợ các DN sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ thúc đẩy cơ cấu lại ngành công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, thành phố sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế.
Được biết, trong năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh tăng 7,9%; trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 7,7%. Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu công nghệ cao đạt hiệu quả tốt, giá trị sản xuất sản phẩm đạt 17 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 16 tỷ USD, chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Tại tỉnh Bình dương, để đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2020, ông Nguyễn Văn Dành- Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết, ngành Công Thương Bình Dương đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm để kịp thời triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2020. Theo đó, sở tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các công trình, dự án điện, trung tâm logistics, cảng thủy hàng hóa nội địa. Ưu tiên đầu tư, khai thác tối đa các cụm công nghiệp đã được thành lập. Tập trung thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và một số ngành dịch vụ chất lượng cao như trung tâm logistics, trung tâm thương mại.
Với tỉnh Đồng Nai, năm 2020, theo kế hoạch tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8 - 9% so với năm 2019. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 8%, thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 1 tỷ USD, thành lập mới gần 4 ngàn DN. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra các giải pháp để hỗ trợ DN phát triển sản xuất công nghiệp. Nhiều DN sản xuất công nghiệp đều đặt kế hoạch năm 2020 đạt mức tăng trưởng từ 10- 20% trở lên. Địa phương đang tập trung nhiều giải pháp để giải ngân nhanh các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, nhằm giúp DN sớm đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm 2020 nhiều DN đã xác định mục tiêu phát triển cụ thể, nhận diện những thuận lợi, cơ hội và cả những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các DN cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh, thực hiện các chính sách hỗ trợ DN một cách thiết thực, hiệu quả, nhất là khu vực DN vừa và nhỏ.
(congthuong.vn)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.