Những hạn chế này được các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) chỉ ra tại hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ở Hà Nội.
Nội địa hóa chỉ đạt 10%
Ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, nhận xét tới thời điểm này, công nghiệp hỗ trợ ôtô của Việt Nam mới sản xuất được phụ tùng, linh kiện ở mức độ đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, như chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe. Điều này kéo theo tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn rất thấp.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng số sản xuất liên quan đến ôtô ở nước ta là 358 DN gồm: 50 DN lắp ráp ôtô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng... Ông Lương Đức Toàn đánh giá số DN sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô ở Việt Nam còn quá thấp so với Malaysia với 385 DN và tại Thái Lan lên tới hơn 2.500 DN.
Ông Shinjiro Kajikawa, Phó Giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam, chỉ ra chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng 10%-20% do sản lượng công nghiệp hỗ trợ nhỏ và tỉ lệ nội địa hóa thấp. "Hiện tỉ lệ nội địa hóa trên sản phẩm xe du lịch tại Việt Nam chỉ khoảng 10%, trong khi tại Thái Lan là 85%, Indonesia 80%, Malaysia 75%" - ông S.Kajikawa so sánh.
Phân tích nguyên nhân sau nhiều năm công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô vẫn phát triển ì ạch, ông Lương Đức Toàn cho biết do thị trường nhỏ, phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu khác nhau khiến cho các công ty sản xuất trong ngành ôtô khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt. "Nhiều DN còn bị động, chưa hợp tác, liên kết tạo thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Thậm chí, năng lực sản xuất của DN trong nước còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao…" - ông Toàn nói.
Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận việc bị phụ thuộc vào nguồn vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô cũng làm giảm tính chủ động và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tiếp tục nhìn nhận nguyên nhân đến từ phía DN, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng Chính phủ đã hỗ trợ tối đa trong khi sự cố gắng của DN chưa tương xứng. "Nếu DN của chúng ta không nhanh chân tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ thì DN FDI sẽ chiếm hết ưu thế" - ông Lạng cảnh báo.
Người tiêu dùng thất vọng
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, người tiêu dùng hầu như không còn kỳ vọng được mua ôtô giá rẻ. Bởi 2 năm 2016-2017, những người có nhu cầu mua ôtô rất mong đợi giá xe sẽ giảm trong năm 2018 khi mức thuế nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ từ các nước ASEAN về 0%. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược, xe nhập khẩu khan hiếm, giá cả xe ngoại lẫn xe nội không giảm mà còn tăng, khách hàng mua xe phải đặt trước nhiều tháng, thậm chí bị "ép" mua phụ kiện cả trăm triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu do Nghị định 116 về quản lý ôtô (có hiệu lực từ đầu năm 2018) với các điều kiện khó hơn trước rất nhiều, khiến ôtô dưới 9 chỗ gần như bít đường về Việt Nam những tháng đầu năm 2018.
Đến giữa năm 2018, khi các điều kiện của Nghị định 116 dần được các hãng đáp ứng gần hết thì lượng xe nhập khẩu vẫn nhỏ giọt, khan hiếm và nhiều dòng xe đã bị đẩy giá lên.
Ông Kiều Minh Trí (ngụ quận 4, TP HCM) cho biết tháng trước, ông phải "bấm bụng" mua chiếc Fortuner của Toyota với giá cao hơn năm ngoái đến gần 50 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu đi lại của gia đình. Chưa hết, ông còn phải chi thêm gần trăm triệu đồng mua gói phụ kiện do đại lý đưa ra để được lấy xe ngay, nếu không phải chờ năm sau. "Các hãng xe đẩy giá lên trong khi thuế nhập khẩu chỉ bằng 0% là coi thường khách hàng" - ông Trí bức xúc.
Năm ngoái, ông Ngô Hoàng Thịnh (quận 2, TP HCM) cùng nhiều bạn bè háo hức lên kế hoạch năm 2018 chờ giá ôtô giảm sẽ "rước" một chiếc về để đi lại cho an toàn nhưng nay thì vỡ mộng, đành tạm thời gác giấc mơ "xế hộp" vì giá vẫn cao quá. Tương tự, ông Trần Hoàng Minh (ở quận 1, TP HCM) thừa nhận rất thích dòng bán tải Ranger của Ford nhưng khi biết được giá của loại xe này lên đến 1,18 tỉ đồng, khi hoàn thành nghĩa vụ các loại thuế, phí phải lên đến 1,4 tỉ đồng thì quá tốn. Trong khi dòng xe này trước đây chỉ có giá khoảng 700-800 triệu đồng nên ông phải từ bỏ ý định, dù rất thích.
Đến tham quan tại triển lãm Ôtô Việt Nam 2018 vừa diễn ra tại TP HCM từ ngày 24 đến 28-10, ông Lý Hưng (ngụ quận 12, TP HCM) nhận xét những dòng xe của các hãng giới thiệu đều có giá quá cao, toàn tiền tỉ trở lên nên không có hy vọng nhiều. Trong khi những dòng xe dưới tỉ đồng thì "kém sang".
Không ngóng xe châu Âu
Gần đây, nhiều thông tin cho rằng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực, thuế nhập khẩu ôtô từ châu Âu sẽ giảm mạnh, giúp giá xe từ các thị trường khác giảm theo. Tuy nhiên, thông tin này không được người tiêu dùng hào hứng đón nhận như trước. Nhiều người cho rằng dù có giảm thì ôtô nhập từ Đức, Ý, Anh... đều là xe sang, giá rất cao, thu nhập của người bình thường rất khó mua nổi.
Theo Minh Chiến-Nguyễn Hải
Người lao động
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.