Lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá như tăng lương tối thiểu vùng, điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh...
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 gửi đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, các ngành, lĩnh vực phát triển đồng đều.
Năm 2017, tổng sản phẩm trong nước ( GDP ) đạt tốc độ tăng trưởng 6,81% so với năm 2016, trong đó: Quý I tăng 5,15%, Quý II tăng 6,36%, Quý III tăng 7,38% và Quý IV tăng 7,65%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7% và cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
“Kết quả này khẳng định tính hiệu quả và kịp thời của các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hưởng ứng, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân”, báo cáo nêu.
Về mặt cơ cấu, tăng trưởng diễn ra đồng đều trên cả 3 khu vực kinh tế lớn: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ.
Báo cáo cũng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Lý giải nguyên nhân lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, báo cáo cho biết, có được điều này là nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp từ sản xuất, tiêu dùng, điều hòa cung cầu, kiểm soát thị trường, nhất là điều hành hiệu quả công tác quản lý giá, thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình, đồng thời kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng theo mục tiêu của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2017 tăng 1,41% so với năm trước.
Đưa ra dự báo về năm 2018, báo cáo cho biết, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi, như: tăng lương tối thiểu vùng (tăng 6,5% so với năm 2017), tăng giá điện bình quân (tăng 100 đồng/kWh từ 01/12/2017), điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế và việc tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá trong năm 2018.
Về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có xu hướng giảm dần theo các quý với tốc độ tăng trưởng của Quý I cao nhất do mức nền tăng trưởng GDP năm 2017 đã ở mức cao.
“Ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô, dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017; kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017; thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm;...có khả năng tác động giảm tăng trưởng trong năm 2018”, báo cáo nêu
Cũng theo báo cáo này, động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
(Theo Bizlive)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.