Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may đã đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, XK cả năm 2018 có thể đạt 35 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhận định tiếp đà năm 2018, năm 2019 kỳ vọng là năm ngành dệt may sẽ có bước phát triển tốt. Tuy nhiên, năm 2019 cũng sẽ là một năm nhiều thách thức đối với ngành này.
Cạnh tranh khốc liệt
Hiện nay, tại nhiều thị trường XK, hàng dệt may của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Myanmar.
Đặc biệt, Ts. Trần Văn Quyến, chuyên gia tư vấn công ty Woolmark, phân tích phương thức sản xuất may của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công.
Có thể kỳ vọng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ làm dịch chuyển đơn hàng dệt may, dịch chuyển đầu tư dệt từ Trung Quốc và các nước phát triển khác sang Việt Nam, nhưng quá trình dịch chuyển này còn kéo dài trong khoảng 10 năm nữa. Trong khi đó, cảnh báo dịch chuyển các đơn hàng sản xuất may lớn, tính thời trang giản đơn từ Việt Nam sang các nước có lao động giá rẻ hơn đang hiện hữu.
Hiện nay, ngành dệt may mới phát triển mạnh thời trang thị giác, chưa quan tâm thời trang cảm giác, thời trang bền vững, thời trang chức năng và thời trang môi trường.
Ngành dệt và phụ trợ phát triển không tương xứng với ngành may và thời trang. Chiến lược khoa học, công nghệ ngành dệt chưa phù hợp với xu hướng của thế giới. Đào tạo lao động kỹ thuật cho ngành thời trang dệt may cũng chưa phù hợp và tương xứng.
Hết thời nhân công giá rẻ
Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với trình độ công nghệ tự động hóa cao, sử dụng robot trong sản xuất đang được ứng dụng ngày một rộng rãi; các khâu trong sản xuất, lưu thông cũng được liên kết với nhau nhờ internet nên chi phí quản lý, thiết kế giảm đáng kể…
Sẽ đến lúc nào đó, phương thức sản xuất dựa trên gia công với nòng cốt nhân công giá rẻ sẽ bị mất lợi thế, các doanh nghiệp (DN) trong ngành sẽ cạnh tranh khốc liệt.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, để đảm bảo tăng trưởng lâu dài, đặc biệt khi nhân công giá rẻ không còn là ưu thế, ngành dệt may buộc phải tăng năng suất lao động, tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến.
Các DN cần chủ động thực hiện các giải pháp như kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các khâu đang thiếu hụt của ngành dệt may nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, góp phần tăng thặng dư thương mại.
Đây là giai đoạn ngành này cần sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu: chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mục tiêu mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, dệt may hiện nay cũng phải truy xuất nguồn gốc. Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Khoa học công nghệ Vina (Vina CHG), truy xuất nguồn gốc là một trong những quy định bắt buộc của một số thị trường như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Canada, EU… đối với hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu.
Các sản phẩm dệt may Việt Nam nếu thực hiện tốt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì việc bước chân vào các thị trường khó tính nói trên không phải là khó.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa giảm nhiệt, hàng Trung Quốc rất có thể tràn vào Việt Nam sau đó gắn mác Việt Nam để XK trở lại Mỹ. Việc các DN dệt may thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ ngăn chặn được tối đa nguy cơ này.
(stockbiz)
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.